Tâm lý học có phải là một ngành khoa học không?
Tâm lí học là một ngành khoa học
Nghiên cứu khoa học nói chung và tâm lí học nói riêng đều mang bốn mục đích cơ bản: mô tả, giải thích, dự báo và kiểm soát.
(1) Mô tả: nhà khoa học bắt đầu với những quan sát thận trọng của vấn đề.
Ví dụ: Trong nghiên cứu Kaiser Family Foundation (Rideout, Foehr, & Robert, 2010) mô tả việc sử dụng các phương tiện truyền thông với mẫu hơn 2000 người trong độ tuổi 8-18. Trong đó, một phần của nghiên cứu cho thấy phần trăm sử dụng thời gian nghỉ bằng các hoạt động giải trí trên máy vi tính của người tham gia.
(2) Giải thích: nhà nghiên cứu đi tìm lời giải cho hành vi.
Ví dụ: Nghiên cứu của Elliot và Niesta (2008) chỉ ra rằng đàn ông nghĩ những người phụ nữ mặc trang phục màu đỏ thường quyến rũ hơn những người phụ nữ mặc trang phục khác màu. Như vậy, đâu là lời giải thích hợp lí cho trường hợp này? Liệu chính màu đỏ gây sự chú ý đối với đàn ông? Hay liệu những người phụ nữ quyến rũ thường có xu hướng lựa chọn phục trang có màu đỏ? Có nhiều giả thuyết được đưa ra và nhiệm vụ của tâm lí học là cố gắng giải đáp, đưa ra lời giải thích của hành vi dựa trên nghiên cứu khoa học.
(3) Dự báo: dự báo được đưa ra dựa vào mối liên quan giữa hai sự kiện.
Ví dụ: Câu hỏi nghiên cứu là liệu những người bị kiện ra tòa mà có ngoại hình ưa nhìn thì có khả năng nhận được nhiều khoan hồng hơn những người có ngoại hình không hấp dẫn hay không? Ví dụ, nếu câu trả lời là có, thì ta có thể đưa ra dự báo cho trường hợp tương tự ở những lần sau. Tuy nhiên, luôn có câu trả lời khác trong mỗi trường hợp, vì vậy dự đoán trong nghiên cứu không mang tính chính xác toàn phần.
(4) Kiểm soát: một trong những mục đích quan trọng của nghiên cứu tâm lí học là điều chỉnh hành vi (tăng hay giảm hành vi)
Ví dụ: Mức độ trầm cảm của sinh viên Á Âu cao hơn sinh viên chủng tộc da trắng (Young, Fang & Zisook, 2010). Từ đó đưa ra các can thiệp về chương trình sức khỏe tinh thần cho sinh viên.
Tâm lí học đáp ứng được các tiêu chí, nguyên tắc trong nghiên
cứu khoa học: thực nghiệm, tái lặp, tính khách quan, tính minh bạch, tính phản
nghiệm, nhất quán trong lập luận.
(1) Tính thực nghiệm: là phương pháp nền tảng trong nghiên cứu tâm lý. Thông tin phải dựa trên quan sát thực tiễn, thu thập dữ liệu, đánh giá… Có thể các câu hỏi, định nghĩa trong nghiên cứu tâm lí mang tính trừu tượng (hạnh phúc, tình yêu, thành công…) nhưng các nhà nghiên cứu đều cố gắng đưa những suy nghĩ trừu tượng trên thành các dạng hành vi hay các biểu hiện mà có thể quan sát được, thực nghiệm được. Ví dụ: nghiên cứu về tình yêu của người A dành cho người B, có thể thông qua đo nhịp tim khi người A khi nhìn thấy người B, hoặc đưa ra bảng câu hỏi về mức độ vui vẻ của người A khi bên cạnh người B…
(2) Có thể lặp lại: một nghiên cứu có giá trị và mang tính ứng dụng phải là nghiên cứu mà có thể tái thực hiện. Nghiên cứu của Asch (1955) về áp lực của nhóm cho thấy 1/3 số người tham gia thực nghiêm có xu hướng trả lời sai để có câu trả lời tương đồng với nhóm. Dựa vào nghiên cứu của Asch, rất nhiều nhà nghiên cứu đã tái lặp nghiên cứu về áp lực nhóm, trong đó có Daniel và Michael (2011) nghiên cứu về áp lực nhóm của trẻ ở trường mầm non với phương pháp bằng tranh vẽ.
(3) Tính khách quan: phương pháp đo lường phải đồng nhất.
(4) Tính minh bạch: tất cả các nhà thực nghiệm có liên quan đều biết về nghiên cứu.
(5) Tính phản nghiệm: một nghiên cứu tốt là nghiên cứu có tính phản nghiệm. Nghiên cứu đó có thể được tiếp tục củng cố hoặc có thể được chứng minh là sai bởi dữ liệu (Popper, 2002). Ví dụ nếu một nghiên cứu được kiểm chứng là sai, thì nhờ đó khoa học có thể thúc đẩy và phát triển lên bằng những quan điểm mới khác.
(6) Nhất quán trong lập luận: một quan điểm được lập ra và duy trì trong suốt nghiên cứu.
Trích dẫn
Asch, S. E. (1955, November). Opinionsand social pressure. Scientific American,pp. 31–35.
Daniel, B. M., Michael, T. (2011). Child Development. Conformity to peer pressure in preschool children, 82(6), 1759 – 1767.
Elliot, A. J., & Niesta, D. (2008). Romantic red: Red enhances men’s attraction to women. Journal of Personality and Social Psychology, 95, 1150–1164.
Popper, K. (2002). The logic of scientifi c discovery. New York, NY: Routledge
Rideout, V. J., Foehr, U. G., & Roberts, D. F. (2010). Generation M2: Media in the Lives of 8- to 18-Year-Olds. Menlo Park, CA: Henry J. Kaiser Family Foundation. Retrieved from http: //kaiserfamilyfoundation.fi les .wordpress.com/2013/04/8010 .pdf
Young, C., Fang, D., & Zisook, S. (2010). Depression in Asian-American and Caucasian undergraduate students. Journal of Aff ective Disorders, 125, 379–382. doi:10.1016/j.jad.2010.02.124
Re: Tâm lý học có phải là một ngành khoa học không?
Cảm ơn bài viết xuất sắc với văn phong rõ ràng cùng những ví dụ minh hoạ cụ thể và trích dẫn đầy đủ của Trinh. Rất tốt! Còn các bạn khác thì sao? Lập luận của bạn là gì nếu có ai đó cho rằng tâm lý không phải là một ngành khoa học?
Gợi ý: Còn những lập luận nào khác mà Trinh chưa đề cập không? Giả sử, bạn đóng vai người phản biện (hãy tưởng tượng 1 người bạn, người quen của bạn mà chưa hiểu rõ về ngành tâm lý học), bạn sẽ thách thức lập luận của bạn Trinh như thế nào?
Đầu tiên phải làm rõ khái niệm về khoa học: khoa học là một phương pháp thu thập kiến thức thông qua quan sát và thực nghiệm nhằm miêu tả và giải thích các hiện tượng tự nhiên. Một số yếu tố của khoa học như quan sát có hệ thống, đo lường và định lượng, thu thập dữ liệu, kiểm chứng giả thuyết,...
vậy điều gỉ khiến tâm lý học không hoàn toàn là một ngành khoa học?
1. Một số thuật ngữ trong tâm lý không thể đo lường được.
ví dụ như "hạnh phúc", ngành tâm lý đã làm nghiên cứu về thuật ngữ này trong nhiều năm, tuy nhiên cho đến bây giờ vẫn chưa có một cách để đo lường nó ngoài việc đi hỏi trực tiếp người khác, vì hạnh phúc của mỗi người có nhiều mức độ và quá đa dạng nên việc đo lường gần như không thể.
một ví dụ khác là "vô thức" và "ý thức" của Frued, mặc dù ông đã đua ra nhiều lý thuyết có liên qua đến 2 thuật ngữ này nhưng vì không đo lường được nên không thể kiểm chứng.
2. một số phương pháp nghiên cứu trong quá khứ chỉ dựa vào đo lường chủ quan.
Ví dụ như phương pháp nội quan thực nghiệm (introspection), đây là phương pháp mà một người tự quan sát cảm giác của mình trong môi trường và mô tả lại cho người khác. Phương pháp này thiếu tính khách quan trong khoa học nên ít khi được sử dụng trong nền tâm lý hiện đại.
Nguồn:
Re: Tâm lý học có phải là một ngành khoa học không?
Tốt lắm, cảm ơn bài viết của Thiện. Nhưng cô có một thắc mắc, không biết là em đang dẫn lại quan điểm và lập luận của tác giả trong bài 'Why psychology isn't a science?' hay là em đang nêu quan điểm của chính em và sử dụng lập luận của tác giả để minh hoạ?
Còn các bạn khác nghĩ sao? Lưu ý, khi trình bày bài luận, chúng ta chú ý phân biệt giữa luận điểm của chính mình (your own voice and argument) và luận điểm của người khác (other person's voice/ thesis statement/ argument) nhé. Đây là một điểm rất quan trọng trong văn phong khoa học.
Trong bài của bạn Trinh, cô biết được đâu là quan điểm của bạn ấy, còn đâu là của người khác. Theo bạn, vì sao cô biết được điều này?
Re: Tâm lý học có phải là một ngành khoa học không?
Bài viết của em đang dựa trên lặp luận của tác giả để nêu quan điểm của bản thân em ạ, các dẫn chứng trong bài không dựa trên bất kì nghiên cứu nào, nó chỉ dựa trên cách nhìn của em.
Còn cái định nghĩa về khoa học là em lấy từ wikipedia, em quên thêm vào phần nguồn ạ
Tâm lí học không hẳn là một ngành khoa học mặc dù nó được định nghĩa tâm lí học là khoa học nghiên cứu hành vi và quá trình tinh thần.
Nếu tâm lí học là khoa học thì khoa học nghiên cứu về tâm hồn và tâm trí; nói về những vấn đề triết lí về sự tự do ý chí với tính tất định, vấn đề tâm với não bộ, vấn đề tự nhiên với nuôi dưỡng.
Khi nói về nghiên cứu khoa học thì luôn có bằng chứng rõ ràng, có tính xác thực và có thể kiểm chứng lại được. Nó có mô tả, giải thích, dự báo và kiểm soát.
Còn nếu nói tâm lí học không phải ngành khoa học thì phải nói về vấn đề định nghĩa hạnh phúc là gì? Thế nào mới được cho là hạnh phúc? Hay nói về vấn đề tôn giáo, văn hóa nếu chiếu theo là khoa học thì phải sự lý giải rõ ràng nhưng vấn đề tôn giáo, văn hóa thì khó có thể lý giải được. Các nhà nghiên cứu không thể nào lý giải, hay mô tả về hạnh phúc hay vấn đề truyền thống. Vì vậy tâm lí học có là khoa học hay không khoa học vẫn còn đang tranh cãi.
Trích dẫn
Alex B. Berezow, Why psychology isn’t science, July 13, 2012, Los Angeles Times.
Re: Tâm lý học có phải là một ngành khoa học không?
Tốt lắm. Cảm ơn câu trả lời của Kiều. Nhưng có vẻ như em đang tóm tắt quan điểm và lập luận của một mình tác giả Berezow để đi đến kết luận cuối cùng của em? Còn các tác giả thì sao?
Lưu ý: Khi trình bày quan điểm của mình, chúng ta cần có sự khách quan. Do đó, nên trích dẫn nhiều nguồn thì bài viết sẽ có tính thuyết phục và khoa học hơn.
Re: Tâm lý học có phải là một ngành khoa học không?
Trước khi trả lời câu hỏi Tâm lý học có phải là 1 ngành khoa học không? thì ta phải tìm hiểu khoa học là gì?
- Khoa học là quá trình nghiên cứu dựa vào phương pháp thực nghiệm trên thực tế hoặc thông qua việc thu thập kiến thức từ các học thuyết, từ đó mô tả và đưa ra giả thuyết, dự báo, kiểm chứng và được tái lập. Ngoài ra, khoa học còn bao gồm cả những qui luật về tự nhiên (toán,hoá,sinh...) và xã hội (triết, sử, xã hội học...)
Còn Tâm lý học thì sao?
- Tâm lý học phải mất thời gian khá lâu để có thể củng cố và trở thành một ngành học. Để có thể hiểu được hành vi, suy nghĩ, và cảm xúc là một điều không hề dễ dàng. Các nhà hành vi như Wundt, Roggers,... đã dùng phương pháp khoa học để chứng minh cho các học thuyết về hành vi của con người và động vật. Tuy vậy, có một vài vấn đề của tâm lý học không thể dùng khoa học để chứng minh được, ví dụ như: trí nhớ (không đo lường chính xác được), hạnh phúc...
Khoa học có tính phổ quát, nhưng tâm lý học có những lý giải bị giới hạn như việc chỉ nghiên cứu trên con người một cách gián tiếp để lý giải những ảnh hưởng của môi trường, văn hoá và xã hội lên 1 cá thể hoặc 1 tập thể nào đó. Ngoài ra, một số học thuyết về tâm lý, chúng ta không thể chứng minh được giả thuyết và cũng như việc không thể đúng 100%.
=> Như vậy, việc Tâm lý học có phải là một ngành khoa học không? Vẫn chưa có một định nghĩa nào cụ thể giải thích cho vấn đề này.
Nguồn:
McLeod, S. A. (2008). Psychology as a science. Retrieved from https://www.simplypsychology.org/science-psychology.html
Re: Tâm lý học có phải là một ngành khoa học không?
Tốt lắm, Hiếu. Cảm ơn ý kiến của em. Câu trả lời của Hiếu có điểm đáng khen là cấu trúc và luận điểm rõ ràng. Lập luận mạch lạc. Nhưng giống như bạn Kiều, em chỉ sử dụng 1 nguồn trích dẫn và lại là nguồn thứ cấp (secondary source - bài luận/ bài viết blog) thì lập luận sẽ không thuyết phục bằng khi ta tổng hợp nhiều nguồn hơn để bổ trợ cho lập luận của mình.
Bài học kế tiếp, mình sẽ nói về các loại nguồn tài liệu. Bạn sẽ thấy, không phải các nguồn tài liệu đều có giá trị khoa học và không có giá trị khoa học ngang nhau.
Câu hỏi :"Liệu Tâm lý học có được xem như một ngành khoa học" là một trong những câu hỏi được hỏi đến nhiều nhất khi nhắc đến "Tâm lý học".
Trước khi đi vào việc đánh giá xem Tâm lý học có được xem như một ngành khoa học hay không thì ta xem một ngành khoa học được định nghĩa như thế nào trước đã.
Thuật ngữ "khoa học" đã được truyền đạt và tồn tại đến tận bây giờ với đầy sự mến mộ, và tự hào bởi hai chữ ấy. Tuy nhiên, không phải bất kỳ ngành nào cũng được xem như một ngành khoa học. Khi nhắc đến khoa học, điều ta nghĩ đến là các phân tích thống kê, là các con số, là các phép toán. Điều đó thì đúng nhưng vẫn chưa đủ, các cầu thủ bóng rổ, đá banh họ vẫn sử dụng những điều đó hằng ngày, liên tục lặp đi lặp lại, nhưng họ không phải là nhà khoa học, và dĩ nhiên những bộ môn đó không nằm trong nhóm "khoa học"
Thông thường thì, khoa học vẫn chia làm hai nhánh nhỏ, Khoa học Tự nhiên với các môn như: Hóa, Sinh, Vật lý được gọi là "Ngành Khoa học nặng" và Khoa học Xã hội - Ngành Khoa học nhẹ. Lí do mà những bộ môn này được xếp vào nhóm Khoa học không phải chỉ vì nó hợp lý, giải thích được đa phần mọi điều xung quanh chúng ta hay là vì nó khó, nó thú vị. Tất cả nằm ở việc liệu nó có chính xác một cách khoa học hay không ?
Lại nhắc đến khoa học, như thế nào thì là chính xác một cách khoa học nhỉ ?
1. Các thuật ngữ được định nghĩa một cách rõ ràng
2. Có thể xác định được số lượng
3. Được kiểm soát, đảm bảo gắt gao để đảm bảo tính khách quan
4. Có thể được thực hiện lại một vài lần nữa mà sai số không quá chênh lệch
5. Kết quả có thể dự đoán được và kiểm chứng lại được
Trở lại về câu hỏi như thế nào được xem là một ngành khoa học, không nhất thiết ngành khoa học đều phải cứng nhắc có đầy đủ 5 điều trên. Sẽ cần dựa trên nhiều yếu tố khác nhưng về căn bản, các ngành khoa học đều cần có những điều trên để ít nhất thì nó cũng chính xác một cách khoa học.
Vậy nên, xét theo những điều trên, Tâm lý học hoàn toàn được xem như môn ngành khoa học vì bên cạnh những điều căn bản trên, Tâm lý học còn có được các quy chuẩn về nghiên cứu để đảm tính chính xác, thực tế và khách quan cùng lúc.
Nguồn tham khảo:
McLeod, S. A. (2008). Psychology as a science. Retrieved from https://www.simplypsychology.org/science-psychology.html
Psychology: Science in action. Retrieved from https://www.apa.org/action/science/science-of-psychology.pdf
Re: Tâm lý học có phải là một ngành khoa học không?
Rất tốt, cảm ơn P. Hồng. Lập luận rất mạch lạc và triển khai logic. Tuy nhiên, nhớ khi viết bài khoa học thì nên trích dẫn nhiều nguồn hơn để có độ tin cậy và khách quan em nhé!
Và tất cả chú ý là một bài viết khoa học cần có cả trích dẫn trong bài và danh mục tài liệu tham khảo. Bài viết của bạn Trinh làm tốt chuyện này, các bạn khác tham khảo nhé.
Re: Tâm lý học có phải là một ngành khoa học không?
Trả lời: Tâm lý học có phải là một ngành khoa học không?
Việc tâm lý học có phải là một ngành khoa học hay không, liệu câu trả lời đó có nhất thiết phải được giải đáp ? Mục đích của việc nghiên cứu tâm lý nói riêng và nghiên cứu khoa học nói chung đều cơ bản là tìm ra bản chất của sự vật, hiện tượng nhằm ứng dụng phục vụ cho đời sống con người.
Cá nhân tôi nhìn nhận Tâm lý như một ngành khoa học thực nghiệm, chúng ta có các bài test kiểm tra (vd: bài trắc nghiệm MBTI, trắc nghiệm trí thông minh IQ, trắc nghiệm cảm xúc EQ,...). Các nghiên cứu lịch sử chứng minh sự hình thành của hành vi học tập (vd: con chó của Pavlov, Bé Albert của Watson, Chiếc hộp của Skinner). Hiển nhiên rằng các nghiên cứu lịch sử này thỏa các nguyên tắc trong phương pháp khoa học: có thể lặp lại, khách quan, minh bạch,...
Chúng ta cũng có những nguyên tắc thiết kế nên một nghiên cứu ( thiết kế cắt ngang, thiết kế can thiệp,...). Bằng một cách nào đó, chúng ta vẫn có thể đo đạc những biến số nghiên cứu, thông qua thao tác hóa khái niệm, cụ thể hóa những khái niệm tâm lý bằng các hành động có thể đo bằng tần số. Các phương pháp phân tích dữ liệu thống kê mô tả, thống kê suy diễn cũng được áp dụng.
Re: Trả lời: Tâm lý học có phải là một ngành khoa học không?
Tốt lắm, cảm ơn Minh. Nhưng cô tròn xoe mắt khi đọc đoạn này:
"Hiển nhiên rằng các nghiên cứu lịch sử này thỏa các nguyên tắc trong phương pháp khoa học: có thể lặp lại, khách quan, minh bạch,..."
Có chắc không? Làm sao em biết? Bằng chứng đâu cho em biết điều đó? Chữ 'hiển nhiên' ở đây rất nguy hiểm và cấm kỵ trong hành văn khoa học.
Cả lớp: Còn các bạn khác nghĩ gì? Cô mong nhận được thêm các ý kiến thảo luận khác từ tất cả các thành viên trong lớp.
Trả lời: Tâm lý học có phải là một ngành khoa học không?
Tâm lý học là một ngành khoa học
Một ngành được xem là khoa học khi nó đáp ứng được các yêu cầu: Có chứng cứ thực nghiệm; Xác định được đối tượng nghiên cứu; Xác định được phương pháp nghiên cứu; Xác định được mục đích nghiên cứu và phải phục vụ cho đời sống của con người. Tâm lý học đáp ứng được các yêu cầu trên, cụ thể như sau:
1. Có chứng cứ thực nghiệm mang tính khách quan, kiểm soát, dự báo, có thể tái lập: Các nhà tâm lý học thuộc nhiều trường phái khác nhau đã đưa ra nhiều thực nghiệm đáp ứng được các yêu cầu trên. Các tiến trình diễn ra trong thực nghiệm hoàn toàn tồn tại trong đời sống tự nhiên và đáp ứng yêu cầu về độ hiệu lực, độ tin cậy.
2. Xác định được đối tượng nghiên cứu: Đối tượng mà ngành khoa học tâm lý hướng đến chính là hành vi và các tiến trình tinh thần của con người.
3. Xác định được phương pháp nghiên cứu: Kể từ khi Wundt phát minh ra phương pháp nội quan, các phương pháp nghiên cứu của ngành Tâm lý học cũng dần được phát triển: Phương pháp thực nghiệm, Phương pháp diễn dịch – giả thuyết.
4. Xác định được mục đích nghiên cứu: Mục đích nghiên cứu của Tâm lý học là mô tả, giải thích, dự đoán và kiểm soát hành vi và các tiến trình tinh thần của con người. Tâm lý học ngày càng ứng dụng rộng rãi vào việc giải quyết những vấn đề của con người và xã hội. Như vậy có thể nói Tâm lý học đáp ứng được các yêu cầu của một ngành khoa học.
Gia đình - Tâm lý gia đình, đôi khi được gọi là liệu pháp gia đình, tập trung vào các hệ thống liên cá nhân được tìm thấy với gia đình.
Thể thao - Tâm lý học thể thao tập trung vào cách các yếu tố tâm lý có thể ảnh hưởng đến thành tích của vận động viên.
Kinh doanh - Tâm lý kinh doanh tập trung vào hiệu quả của nơi làm việc hoặc tổ chức thông qua nghiên cứu về con người và hành vi tổng thể tại nơi làm việc.
Truyền thông - Tâm lý học truyền thông tập trung vào mối quan hệ phức tạp giữa phương tiện truyền thông và ảnh hưởng của nó đối với hành vi của con người.
Pháp y - Tâm lý pháp y là thực hành nghiên cứu các cá nhân có liên quan đến hệ thống pháp luật, chẳng hạn như nhân chứng chuyên gia hoặc những người bị điều tra hình sự.
Như vậy, em hoàn toàn đồng tình với ý kiến: Tâm lý học là một ngành khoa học. Mặc dù đây chỉ là một ngành khoa học còn non trẻ, nhưng nó đã đóng góp rất nhiều cho nhân loại trong việc khai phá các suy tư, tư tưởng và hành vi của con người, từ đó chúng ta có thể thấu hiểu và đặt nền móng phát triển cho xã hội.
Nguồn:
https://www.udc.edu/social-udc/2018/03/07/importance_psychology_todays_world/